Tuesday, February 3, 2015

HUYỀN THOẠI TIẾNG ĐÀN BÊN DÒNG SÊ RÊ PÔK

HUYỀN THOẠI TIẾNG ĐÀN BÊN DÒNG SÊ RÊ PÔK

Đêm đó bên bếp lửa trong nhà dài, bà H’Uinh say sưa trong điệu Ay Ray, Hơh Cư Jú. Ông Y Gông đắm đuối trong tiếng đàn đinh năm, goong kram. Bốn tuổi, Y Gông đã được bố dạy thổi đinh puốc, điệu kèn buồn của những người tha hương nói lên nỗi niềm xa xứ, dù đi đâu, dù ở đâu người Ê Đê vẫn nhớ về nguồn gốc xa xưa của tổ tiên mình.

Hai mươi tuổi, chàng trai Ê Đê tài hoa này đã chơi được hầu hết các loại nhạc cụ, chế tác được hầu hết các loại nhạc cụ của người Ê Đê, trong đó có cây đàn goong kram với nhiều bí quyết mà không phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được. Năm đó cô gái H’Uinh mười tám tuổi, mồ côi cha mẹ, giọng hát hay nhất buôn kề bên, nhan sắc mặn nồng. “Bố lấy mế về mà không đòi hỏi bất cứ lễ vật nào vì thương nó mồ côi”.

Theo tục mẫu hệ của người Ê Đê, con gái cưới chồng phải kèm theo lễ vật thách cưới nặng nề. Đôi uyên ương trai tài gái sắc này đã bước qua phong tục để được hạnh phúc bên nhau. Từ đó đến nay, đôi du ca Y Gông và H’Uinh được nhiều buôn làng biết tới.

Ở tuổi tám mươi, qua lời ca tiếng đàn, trong đôi mắt của hai vợ chồng chung thuỷ này hãy còn nhiều tình tứ. “Nếu ai bảo bố đi xa một ngày mà không có mế đi theo được không?” Bà H’Uinh cười bẽn lẽn: “Không! Có mế bố mới đi!”.

Trong đêm khuya bên dòng Sêrêpôk, trong ngôi nhà dài, tiếng goong kram dồn dập như bước chân người và điệu Hơh Cư Jú đều đều như một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp còn vang vọng mãi…


Theo SGTT

No comments:

Post a Comment